Kinh tế Ebla

Thời vương quốc đệ nhất, cung điện kiểm soát nền kinh tế[144] nhưng các gia tộc giàu có tự quyết tài chính của mình mà không có sự can thiệp của chính quyền.[173] Hệ thống kinh tế theo hình thức tái phân phối; cung điện phát lương thực cho gia nhân thường trực hoặc theo mùa. Ước tính có khoảng 40.000 nhân công trong hệ thống này, nhưng nhìn chung không giống như ở Lưỡng Hà, đất đai vẫn thuộc các làng mạc, dân chỉ phải nộp một phần lợi tức thường niên cho cung điện.[174] Nông nghiệp chủ yếu là chăn nuôi; cung điện sở hữu những đàn gia súc lớn.[174] Dân trong thành có khoảng 140.000 cừu và dê, khoảng 9.000 gia súc lớn khác.[174]

Sự thịnh vượng của Ebla bắt nguồn từ mậu dịch;[174] mức độ giàu có sánh ngang với các thành Sumer trọng yếu.[175] Đối trọng mậu dịch chính là Mari.[58] Các mặt hàng chủ yếu ở Ebla có lẽ là gỗ đốn từ núi xung quanh và vải dệt.[176] Hàng thủ công dường như cũng là xuất khẩu chính, với số lượng lớn bằng chứng thu được từ các cung điện trong thành.[177] Ebla phát triển mạng lưới thương mại rộng khắp đến tận Afghanistan ngày nay.[178] Vải dệt được chuyển đến Cyprus, có thể qua cảng Ugarit.[179] Nhưng hầu hết hoạt động buôn bán dường như thực hiện bằng thuyền theo sông đến Lưỡng Hà (chủ yếu là Kish).[180] Các hiện vật có niên đại từ Ai Cập cổ đại ghi tên của các Pharaoh KhafrePepi I được tìm thấy trong cung điện G.[181]

Ebla tiếp tục là một trung tâm mậu dịch vào thời vương quốc đệ nhị, bằng chứng là các thành tồn tại xung quanh và cũng sụp đổ đồng thời cùng thành phố.[note 19][67] Mậu dịch vẫn là hoạt động kinh tế chính của vương quốc Ebla đệ tam; các phát hiện khảo cổ cho thấy có những trao đổi với Ai Cập và các thành Syria bên bờ biển như Byblos.[115]